Năm 1924, tại làng Đông Sơn ven bờ sông Mã (nay thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) những di vật đồ đồng đầu tiên được phát hiện ngẫu nhiên. Năm 1934, học giả người Áo Heine Geldern đề nghị đặt tên nền văn hóa này là “Văn hóa Đông Sơn”.
Trải qua 94 năm phát hiện và nghiên cứu đã khẳng định văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa của cư dân Việt cổ thuộc thời đại kim khí, có niên đại từ cuối thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên đến thế kỷ I, II sau Công nguyên. Thanh Hóa là địa phương phát hiện được nhiều di chỉ, di tích văn hóa Đông Sơn (124 điểm di chỉ, di tích) nhất. Hiện vật văn hóa Đông Sơn phát hiện tại Thanh Hóa đa dạng về loại hình, chất liệu, nhiều nhất là nhóm hiện vật đồ đồng (trong đó tiêu biểu nhất là trống đồng Đông Sơn).
Tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện đang lưu giữ và trưng bày hàng nghìn hiện vật văn hóa Đông Sơn. Trong đó, nhóm hiện vật đồ đồng chiếm số lượng lớn gồm các sưu tập: Trống đồng, thạp đồng, thố đồng, vũ khí, đồ trang sức… Trên cơ sở sự đa dạng các loại hình hiện vật đồ đồng một mặt góp phần khẳng định thời kỳ văn hóa Đông Sơn kỹ thuật luyện kim đạt đến đỉnh cao, mặt khác thông qua những đồ án hoa văn trang trí, đặc biệt là hình tượng động vật minh chứng cho tư duy nghệ thuật vô cùng phong phú của cư dân Đông Sơn. Trống đồng Đông Sơn (hay còn gọi là trống HI, theo phân loại của học giả người Áo F.Heger) là một phần rất quan trọng mang tính biểu tượng của văn hóa Đông Sơn. Qua nghiên cứu các thư tịch cổ và nguồn sử liệu ít ỏi về trống đồng cho thấy trống đồng không chỉ là một loại nhạc khí mà còn được sử dụng làm đồ thờ, là “vật thiêng”.
Mỗi chiếc trống đồng Đông Sơn giống như một tác phẩm nghệ thuật với sự đa dạng các loại hình hoa văn trang trí, mô tả sinh động đời sống sinh hoạt của xã hội đương thời. Trên mặt và thân trống đồng Đông Sơn nhóm sớm như: Trống Cẩm Bình, trống Vĩnh Ninh, trống Bỉm Sơn, trống Đông Hòa, trống Vĩnh Hùng… trang trí phổ biến các đồ án hoa văn: Hình tượng mặt trời với những cánh sao mập, chẵn (8, 10, 12, 16) ở giữa mặt trống, các mô tuýp hình học (vòng tròn tiếp tuyến, ô trám đơn, trám lồng, vạch thẳng song song…), hình người chèo thuyền, người hóa trang lông chim nhảy múa, hình tượng các loài động vật (chim lạc, bò u)…
Với nhóm trống đồng Đông Sơn muộn, như: Trống Xuân Lập, trống Thiệu Thịnh, trống Thanh Cẩm, trống Trung Hạ… trên mặt trống đồng thường xuất hiện bốn khối tượng cóc quay ngược chiều kim đồng hồ. Cá biệt, trên mặt trống đồng Cẩm Giang (được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013) có bốn khối tượng vịt (đã mất một khối). Cho đến nay đây là chiếc trống duy nhất có trang trí tượng vịt.
Bên cạnh trống đồng, nhóm đồ dùng sinh hoạt gồm: Thạp, thố, bình, bát, muôi, đèn… là những đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân Việt cổ cũng được trưng bày nhiều tại Bảo tàng tỉnh. Trong số những hiện vật này, có những chiếc thạp đồng kích thước khá lớn như thạp Xuân Lập, ngoài chức năng là đồ đựng của cư dân Đông Sơn, thạp còn được dùng trong nghi thức chôn cất người chết. Có lẽ với tầm quan trọng như vậy cho nên chiếc thạp được trang trí hết sức cầu kỳ, với những đồ án hoa văn phong phú mang đậm nét văn hóa Đông Sơn, như: Hoa văn hình học, người chèo thuyền, người hóa trang lông chim nhảy múa… Trên những chiếc đèn, đế đèn, đầu gậy nghi trượng đang trưng bày tại bảo tàng xuất hiện hình tượng chim, hươu, cóc.
Ngoài ra, tại đây còn trưng bày khá nhiều vũ khí thời kỳ văn hóa Đông Sơn, như: Vũ khí đánh gần (kiếm, dao găm…), vũ khí đánh xa (lao, giáo, mũi tên…), vũ khí phòng hộ (hộ tâm phiến hay tấm che ngực). Sự đa dạng loại hình hiện vật này cho thấy dường như chiến tranh đã trở thành một hiện tượng xã hội phổ biến thời kỳ Đông Sơn. Đa phần các loại vũ khí tìm thấy ít trang trí hoa văn, ngoại trừ một chiếc qua trang trí hình hươu khá tinh xảo. Cũng giống như những loài động vật khác, hình tượng con hươu xuất hiện nhiều trong văn hóa Đông Sơn, trên trống đồng, thạp đồng… Phải chăng, giống như chim lạc, hươu có thể là một loại linh vật trong tín ngưỡng của cư dân Việt cổ.
Thời kỳ văn hóa Đông Sơn với đỉnh cao là kỹ thuật đúc đồng đã tạo nên những loại hình hiện vật vô cùng phong phú, trong đó có các loại trang sức bằng đồng. Trang sức của cư dân Đông Sơn đa dạng về loại hình, kiểu dáng, như: Vòng (vòng ống chân, vòng ống tay, vòng trổ thủng, vòng hình sống trâu, hình tròn, hình lòng máng…), trâm cài, khóa thắt lưng, hạt chuỗi, vòng tay… Trong số rất nhiều kiểu đồ trang sức, chỉ có duy nhất một chiếc vòng đồng hiện đang trưng bày tại bảo tàng có trang trí hình bông lúa và ba đôi cá sấu. Như vậy, những đồ trang sức này không chỉ có chức năng làm đẹp mà nó còn đóng vai trò quan trọng làm phong phú thêm đời sống nghệ thuật, tinh thần và tâm linh của con người.
Trong không khí của những ngày xuân năm mới, chúng ta ngược thời gian trở về với cội nguồn của dân tộc để được chiêm bái, ngưỡng vọng những giá trị lịch sử vô giá của ông cha. Từ đó, giúp chúng ta hiểu được phần nào tư duy thẩm mỹ, tín ngưỡng của cư dân Việt cổ thuở Nhà nước Văn Lang, thời đại các Vua Hùng. Cho dù đó là tư duy, tín ngưỡng sơ khai nhưng thấm đẫm chất Đông Sơn, trường tồn cùng thời gian và không bị đồng hóa trước bất cứ thế lực nào.
(Nguồn: Báo Thanh Hóa)