Theo văn hóa tâm linh của người Việt, đồ thờ cúng bằng đồng thể hiện cho tấm lòng, sự tưởng nhớ của con cháu đối với ông bà tổ tiên. Ở mỗi gia đình, các vật phẩm trong bộ thờ cúng bằng đồng như bát hương, đỉnh đồng, lọ hoa, ngai chén thờ, mâm bồng, bộ hoành phi câu đối…được bày biện trang trọng trên ban thờ gia tiên để mang lại sự bình an cho gia chủ.
1. Ý nghĩa của ban thờ gia tiên trong văn hóa thờ cúng của người Việt
Đối với người Việt Nam, việc thờ cúng tổ tiên, ông bà đã trở thành tín ngưỡng văn hóa, truyền từ đời này sang đời khác. Đối với mỗi gia đình, ban thờ gia tiên mang nhiều ý nghĩa quan trọng, gắn liền với văn hóa tâm linh.
Việc thờ cúng, lễ nghi thờ cúng cũng như các vật phẩm thờ cúng là một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt nam được truyền đời từ hàng ngàn năm trước. Người Việt luôn có niềm tin rằng tổ tiên mặc dù đã đi về cõi vĩnh hằng nhưng vẫn luôn hiện diện để che chở, phù hộ cho con cháu được bình an, gặp nhiều may mắn. Việc hiện diện của các anh linh tổ tiên đã khuất được lựa chọn ở một nơi riêng biệt, sạch sẽ, tinh khiết, thanh tịnh trong nhà, bởi vậy ban thờ gia tiên chính là nơi gắn kết giữa người còn sống với người đã khuất.
Ngoài ra, ban thờ gia tiên còn có ý nghĩa là nơi hiển linh của các vị tôn thần trong khu vực khi đến chứng giám các việc thiện ác của gia chủ, chứng thực lòng thành của gia chủ nhằm gia ơn bảo trì phù hộ cho gia chủ. Việc thờ cúng thần linh cai quản khu vực sinh sống (thành hoàng, thổ địa, táo quân) cũng được thực hiện tại ban thờ.
Ban thờ gia tiên còn thờ cúng các vong linh cư ngụ ở đất nơi gia đình đang sinh sống, mong những vong linh này phù hộ cho vạn sự như ý, mọi sự hanh thông.
2. Bộ đồ thờ cúng bằng đồng đầy đủ gồm những gì?
2.1 Bộ tam sự, ngũ sự bằng đồng
Bộ tam sự, ngũ sự bằng đồng được đặt ở vị trí chính giữa ban thờ. Một bộ tam sự bằng đồng đầy đủ bao gồm: đỉnh đồng và đôi hạc. Một bộ ngũ sự bằng đồng gồm: đỉnh đồng, đôi chân nến, và hạc thờ. Bộ tam sự, ngũ sự bằng đồng được đặt ở vị trí trang trọng trên ban thờ một cách vững chãi, tập trung linh khí nhằm tượng trưng cho sự bền vững, tài lộc và may mắn.
Đỉnh đồng thờ cúng được phân phối bởi đồ đồng Dương Quang Hà được đúc thủ công bằng đồng nguyên chất, với sự chăm chút từng chi tiết của các nghệ nhân làng nghề đồng truyền thống tạo ra bề mặt đỉnh đồng với các họa tiết hoa văn tinh xảo, mang đậm dấu ấn vượng khí, được bày ở chính giữa ban thờ, dùng để đốt trầm ngày lễ tết hoặc ngày rằm, mùng một. Đỉnh đồng thờ cúng thường được chạm các họa tiết như long phượng, song long chầu nhật, nhất long càn khôn… Đỉnh đồng thường được đặt sau cùng trên ban thờ, tạo thế tựa lưng vững chãi.
Hạc đồng: được đặt đối xứng 2 bên đỉnh thờ, hạc được đúc đứng trên lưng rùa. Một số gia đình còn sử dụng những đôi hạc có kích thước lớn được đặt bên dưới cạnh bàn thờ. Hạc thờ được đúc liền khuôn chi tiết từng bộ phận, mỏ ngậm pháp khí hoặc cành hoa. Hạc thờ được đặt hướng chầu vào đỉnh đồng, mỏ hơi nghếch lên thờ phụng hướng về đỉnh đồng. Hạc thờ được đặt thẳng với tai mây của đỉnh đồng, có ý nghĩa hộ vệ, bao bọc.
Đôi chân nến hay còn gọi là đôi đèn cầy, phía trên thân nến có chỗ để đặt cốc nến đốt khi cúng, thường thì chân nến có chung hình dáng chủ yếu khác nhau kích thước. Đôi chân nến được đặt phía trước đỉnh đồng, thường khi nhìn thẳng vào ban thờ sẽ thấy đôi chân nến đứng giữa đỉnh đồng và hạc thờ. Chân nến có thể chạm khắc hình rồng, hoa văn sen, pháp luân, hoặc để trơn.
Xem thêm: Đỉnh đồng thờ cúng có ý nghĩa gì?
2.2 Bát hương đồng
Bát hương đồng theo quan niệm tâm linh là nơi các linh anh trú ngụ. Tùy vào việc thờ tự của gia chủ, có thể lập 1 bát hương chung cho tất cả linh anh hoặc lập 3 bát hương cho thần linh, gia tiên, vong linh ngụ đất. Bát hương đồng được đặt chính giữa ban thờ trước đỉnh đồng, khoảng cách giữa đỉnh đồng với chân nến. Nếu đặt 3 bát hương thì cần chú ý khoảng cách giữa bát hương và hạc thờ; bố trí sao cho đôi hạc thờ nằm ở ngoài ba bát hương, ôm trọn ba bát hương vào bên trong. Cũng cần chú ý không để đôi chân nến che mất bát hương.
2.3 Bộ ngai chén thờ
Bộ ngai chén thờ dùng để đựng nước sạch hoặc trà hoặc rượu khi cúng. Chén thờ thường là số lẻ là 3 hoặc 5 chén tùy vào lựa chọn và quan niệm thờ tự của mỗi gia đình. Tùy vào độ lớn của ban thờ, gia chủ có thể lựa chọn bộ ngai chén đựng nước và bộ ấm chén đựng trà, rượu riêng biệt. Bộ ngai chén được đặt phía trước bát hương, thẳng hàng bát hương và đỉnh đồng.
2.4 Lọ lộc bình
Lọ lộc bình đặt trên bàn thờ dùng để cắm hoa sen đồng hoặc hoa tươi như hoa cúc, hoa lay ơn,…khi cúng vào ngày rằm, mùng một hoặc lễ tết. Lọ lộc bình thường bày theo cặp 2 chiếc, tuy nhiên đôi khi nhiều gia đình có thể bày 1 chiếc. Thông thường với các ban thờ gia tiên, nên để 2 lọ lộc bình. Vào ngày cúng lễ, lọ bên trái theo hướng nhìn vào ban thờ cắm 7 bông hoa hồng đa sắc, lọ bên phải cắm 9 bông hồng đơn sắc (thường cắm hồng nhung hoặc hồng vàng hoặc hồng trắng). Đối với một số gia đình, các ngày cúng lễ thường cắm hoa cúc cả hai bên, mỗi bên 7 hoặc 9 bông. Đôi lọ lộc bình được đặt phía trước, bên ngoài đôi hạc thờ đồng, nếu đôi hạc thờ đồng đặt trên ban thờ.
2.5 Ống đựng hương
Ống đựng hương là một trong những món đồ không thể thiếu trong bộ đồ thờ cúng bằng đồng. Ống đựng hương dùng để đựng que hương, thẻ hương cho gọn gàng, có thể dùng 1 chiếc hoặc để hai chiếc đối xứng hai bên. Ống đựng hương được đặt khuất trên ban thờ, thường là đặt bên phải theo hướng nhìn vào ban thờ (nhằm tiện lợi cho việc lấy hương). Ống đựng hương được đặt sát mép ngoài, phía sau của ban thờ.
2.6 Mâm bồng
Mâm bồng hay còn gọi là mâm thờ hoặc đĩa thờ. Đây cũng là một phẩm vật không thể thiếu trong bộ thờ cúng bằng đồng. Mâm bồng được dùng để bày hoa quả, bánh kẹo khi cúng vào dịp lễ tết, tư rằm mùng một. Mâm bồng có nhiều loại với kích thước đa dạng.
Bộ mâm bồng thông thường bao gồm 1 đĩa đặt hoa quả, 1 đĩa đặt tiền vàng và 1 đĩa để đặt bánh kẹo được bố trí theo thứ tự từ trái qua phải là: mâm đặt bánh kẹo, mâm đặt tiền vàng, mâm đặt hoa quả. Cũng có thể sử dụng mâm to, mâm nhỏ (mâm chính, mâm phụ). Trường hợp sử dụng mâm to, mâm nhỏ thì tùy theo gia chủ mà để đồ cúng lên cả 3 mâm, sau đó đặt tiền vàng lên mâm to đặt chính giữa.
2.7 Hoành phi câu đối bằng đồng
Hoành phi câu đối bằng đồng là nét điểm xuyết sự trang nghiêm cho ban thờ. Đôi câu đối và bức hoành phi sẽ giúp không gian ban thờ được đóng lại, làm nổi bật tính tôn nghiêm. Bộ hoành phi câu đối có nhiều kích cỡ phù hợp với từng kích cỡ ban thờ. Đôi câu đối được treo hai bên ban thờ, bức hoành phi được treo bên trên, chính giữa ban thờ.
Một bộ đồ thờ bằng đồng đầy đủ bao gồm: bộ tam sự/ngũ sự bằng đồng, bát hương đồng, bộ ngai chén thờ, ống đựng hương, mâm bồng, lọ lộ bình, hoành phi câu đối. Có đầy đủ những món đồ thờ bằng đồng trên ban thờ gia tiên sẽ tạo nên một không gian thờ tự sang trọng, đúng với bản sắc văn hóa của người Việt từ bao đời nay.
Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để mua toàn bộ bộ thờ cúng bằng đồng kể trên bởi nó khá tốn kém. Bởi vậy, các gia đình muốn mua đồ thờ bằng đồng để trang trí trên ban thờ gia tiên có thể lựa chọn mua riêng trước 1 số sản phẩm cần thiết như đỉnh đồng, bát hương hoặc mua theo bộ tam sự ngũ sự….cho phù hợp với không gian thờ cúng.